Cách ghi nhật ký hàng hải

Ngày 04-07-2022 Lượt xem 5984

Cách ghi nhật ký hàng hải cho sỹ quan boong mới nhận nhiệm vụ tham khảo.

Dành cho các SQTC boong mới nhận nhiệm vụ:

CÁCH GHI NHẬT KÝ HÀNG HẢI

Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh

Sĩ quan boong trên tàu có liên quan đến các trách nhiệm thuộc nhiều phương diện khác nhau đối với các hoạt động an toàn của con tàu. Đây là một công việc đầy thách thức, trong đó sĩ quan boong phải đảm bảo rằng con tàu đang hàng hải an toàn trên đúng tuyến đường và tuân thủ tất cả các quy định, quy tắc quốc tế, chẳng hạn Quy tắc Colregs, phân luồng lưu thông …

Có thể nói rằng điều khiển an toàn con tàu nằm trong tay của sĩ quan boong trực ca, gồm một Sĩ quan trực ca (SQTC) cùng ít nhất một thủy thủ khác trên buồng lái làm nhiệm vụ trợ giúp cho sĩ quan. Một ca trực hoàn hảo phải đảm bảo rằng không bao giờ để con tàu bị đặt vào tình huống khẩn cấp như va chạm, mắc cạn ... làm cho tàu bị hư hỏng và vướn vào trách nhiệm liên đới.

An toàn của con tàu được đảm bảo bằng cách tuân theo các quy tắc và quy định quốc tế trên biển, thực hiện đầy đủ các Danh mục kiểm tra ( Check List) trong Hệ thống Quản lý An toàn của Công ty và cuối cùng phải ghi chép đầy đủ Sổ Nhật ký Hàng hải của tàu, nơi lưu giữ tư liệu về các tình huống xảy ra và cách xử lý giải quyết trong khi con tàu hoạt động trên biển.

Điều khiển con tàu an toàn là trách nhiệm hàng đầu của sĩ quan boong từ phó ba đến đại phó, nhưng các tư liệu mà mỗi SQTC ghi chép trong Nhật ký hàng hải liên quan đến hành trình cũng có tầm quan trọng không kém để bảo vệ sự tin cậy đối với bản thân mình cũng như trách nhiệm giải trình cho công việc mà mình đang thực hiện.

Trách nhiệm giải trình cho các hoạt động của tàu rất quan trọng; trong đó các nhiệm vụ được thực hiện cũng như các hoàn cảnh thực tế khi thực hiện phải được ghi lại để có một tư liệu chính thức hỗ trợ hiệu quả và hợp lý đối với các công việc đã được thực hiện. Trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc, hồ sơ này sẽ cung cấp các chứng cứ tin cậy giải quyết các khiếu nại. Vì vậy, Nhật ký hàng hải là một tư liệu chính quan trọng chứa đựng tất cả các hành động của sĩ quan thực hiện trên buồng lái.

Sổ NHẬT KÝ ghi lại các dữ liệu các tình huống khác nhau (bao gồm tình huống và hành động khẩn cấp) về sau được sử dụng để tham khảo, nghiên cứu các tình huống và để được bảo hiểm trong trường hợp hư hỏng tàu hoặc tổn thất tài sản của tàu. Chính vì vậy, trước khi ghi chép vào Nhật ký hàng hải, sĩ quan hàng hải phải đảm bảo chắc chắn tính chính xác của dữ liệu nhập vào Nhật ký. Các sổ ghi chép phụ mà từ đó ta trích các dữ liệu liên quan để ghi vào Nhật ký hàng hải cũng phải được lưu giữ. Chẳng hạn, vị trí tàu được nhập vào Nhật ký hàng hải phải kèm theo hướng đi, tốc độ, sai số la bàn vv… ghi trên hải đồ , hoặc sổ ghi chép liên quan.

SAU ĐÂY LÀ CÁC MỤC VÀ NỘI DUNG PHẢI ĐƯỢC SĨ QUAN TRỰC CA (SQTC) BUỒNG LÁI GHI VÀO NHẬT KÝ HÀNG HẢI TRONG CA TRỰC:

1) Hướng đi: thật, la bàn con quay, la bàn chuẩn (True, gyro and standard courses).

2) Sai số la bàn con quay, la bàn chuẩn (Gyro and standard compass errors).

3) Thời gian và vị trí khi thay đổi hướng đi (Times and positions of course alterations).

4) Vị trí tàu, phương pháp xác định vị trí;

5) Thời thiết bao gồm cấp gió, hướng gió, trạng thái biển, nhiệt độ, áp suất không khí, tầm nhìn xa. Thời tiết phải ghi cả trong cảng và trên biển (Weather, including wind force and direction, state of the sea, air temperature and pressure, visibility. Weather must be recorded in port and at sea).

6) Thời gian, hướng ngắm, cự ly khi đi qua mũi lục địa, đèn biển, tàu đèn, các phao quan trọng … (Times, bearings and distances off when passing headlands, lighthouses, light vessels, important buoys, etc).

7) Thời gian tầm nhìn hạn chế; thời gian phát tín hiệu sương mù;

8) Thời gian thử thiết bị buồng lái và máy lái (Times of testing of bridge equipment and steering gear).

9) Thời gian buộc tàu , mở dây, chuyển cầu, hoặc neo (Times of letting go, making fast and shifting berth or anchorage).

10) Thời gian thả/kéo neo, neo phải/trái, độ sâu của nước, bao nhiêu đường lỉn … .

11) Các buổi thực tập tình huống khẩn cấp, diễn tập:

- diễn tập theo SOLAS;

- thử các thiết bị theo quy dịnh của công ty tàu;

- thực tập tai nạn xuồng (Accident Boat Exercises),

- thực tập hạ xuồng (Boat Lowering Exercises),

- diễn tập tình huống khẩn cấp chung cho hành khách/thuyền viên (General Emergency Drills for Passengers / Crew) ;

- Hướng dẫn an toàn cho thuyền viên mới (Safety Instruction of Newly Joined Crew),

- Hướng dẫn cửa kín nước (Watertight Door Instruction).

12) Thời gian làm hàng, số lượng hàng bốc/dỡ hàng ngày (Times of working cargo. Discharge/loading tons for the day).

13) Thời gian đóng mở các cửa kín nước (Times of opening and closing watertight doors).

14) Các hư hỏng cho dù nhẹ của tàu (Damage to ship, however slight).

15) Thời gian liên hệ với các tàu khác, cầu cảng, các mục tiêu cố định hoặc di động (Contact with other vessels, quays, fixed or movable objects).

16) Tàu bị cạn (Grounding).

17) Nhìn thấy ô nhiễm trên mặt nước (Sighting of pollution on the surface).

18) Hư hỏng hoặc mất hàng hóa (Damage to or loss of cargo).

19) Chết máy hoặc hư hỏng trong buồng máy (Breakdown or defect in engines or machinery).

20) Tên của hoa tiêu, giờ, vị trí lên/xuống của hoa tiêu (Pilot's name with time and place embarked and disembarked).

21) Tên, và thời gian làm việc của tàu lai (Tugs engaged with names and relevant times).

22) Mớn nước tàu mũi lái buổi sáng/buổi chiều, mớn nước lúc khởi hành (A.M. / P.M. Draught of vessel (fore and aft) and draft on sailing).

23) Thử thiết bị hàng hải trước khi khởi hành và đến cảng (Navigation equipment tests before sailing and arrival).

24) Thời gian đăng kiểm viên, đánh giá viên, nhân viên PSC lên tàu (Attendance of surveyors, auditors and Port State Control onboard).

25) Các thông tin về hàng hóa, chẳng hạn nhiệt độ than đá (Appropriate cargo information, e.g. coal temperatures).

26) Trên tàu két khi chạy trên biển, ghi chép áp suất IG trong két hàng theo định kỳ (On tankers whilst at sea, to record IG pressure in cargo tanks at regular intervals).

27) Đo lacanh/không gian trống (Bilge/void space sounding).

28) Ngoài ra, ghi chép bất kỳ các mục khác theo yêu cầu của Thuyền trưởng, Công ty, và Cơ quan quản lý hành chính vào Nhật ký hàng hải.

ĐẶC BIỆT LƯU Ý:

1) Không được loại bỏ bất cứ trang gốc nào trong Nhật ký hàng hải, nó là sổ ghi chép duy nhất được chấp nhận làm chứng cứ trong trường hợp có bất kỳ tố tụng, khiếu nại nào xảy ra ;

2) Nhật ký phải giữ sạch sẽ, ghi chép phải chính xác, rõ ràng.

3) Ghi nhật ký phải ghi bằng bút bi mực đen. Nếu ghi nhầm, không được tẩy xóa mà gạch bằng một nét bút nhỏ, ghi sửa chữa vào bên cạnh, người sửa phải ký vào đó.

4) Chỉ được sử dụng thuật ngữ viết tắt chính thức và thuật ngữ trong H.O. 5011.

5) Khi ở trên biển và trong cảng, Nhật ký hàng hải chỉ được ghi vào cuối mỗi ca trực và

ký tắt.

6) Không được tẩy xóa trong nhật ký. Nếu muốn sửa thì phải loại bỏ bằng một gạch bút mực và có chữ ký tắt của người sửa tại nơi bị xóa.

7) Trên các tàu chạy tuyến quốc tế, Nhật ký hàng hải phải ghi bẳng tiếng Anh.

8) Nhật ký hàng hải phải được lưu giữ tại tàu cho đến khi Công ty thu hồi về văn phòng.

Nên nhớ rằng việc ghi Nhật ký Hàng hải có chữ ký của SQTC, có nghĩa là SQTC chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã được ghi lại đầy đủ, trung thực và chính xác./.

T.V.K

register-ship-box-img
Gọi ngay: 0973.271.246
SMS: 0973.271.246 Chat Zalo